Làm thế nào để xây dựng văn hóa nội bộ doanh nghiệp ngày càng phát triển vững chắc hơn? Mời các bạn cùng tham khảo qua các hình thức truyền tải văn hoá trong nội bộ bên dưới đây nhé.
Vai trò của văn hóa nội bộ trong doanh nghiệp
Văn hóa nội bộ là một tài sản vô hình của doanh nghiệp bao gồm các giá trị cốt lõi, tầm nhìn, mục tiêu, văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong doanh nghiệp và mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp với nhân viên và giữa nhân viên với nhau. Văn hóa nội bộ có vai trò cực kì to lớn đối với mỗi doanh nghiệp.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp lớn, với số lượng cán bộ công nhân viên lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn và trải dài khắp mọi miền Tổ Quốc, văn hóa nội bộ lại càng trở nên cần thiết, đóng vai trò như một chất keo kết nối, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân viên và doanh nghiệp, tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh và vững chắc.
Đầu tiên, việc chú trọng phát triển văn hóa nội bộ cùng các hoạt động nội bộ thú vị và hấp dẫn sẽ tạo ra môi trường làm việc hứng khởi, thân thiện trong doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng sáng tạo, thi đua. Văn hóa nội bộ cũng tăng cường gắn kết nhân viên với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ chân người tài và là sức hút hấp dẫn đối với các nhân sự mới.
Hơn thế nữa, văn hóa nội bộ còn là chìa khóa nắm giữ sự trung thành của khách hàng. Doanh nghiệp có những nhân viên tốt, được đào tạo kỹ năng giao tiếp đạt tiêu chuẩn, có môi trường làm việc tích cực sẽ truyền tải được ý nghĩa, sứ mệnh của mỗi sản phẩm, dịch vụ nói riêng và của cả doanh nghiệp nói chung đến với khách hàng. Sức mạnh nội bộ từ trong doanh nghiệp lan tỏa ra cộng đồng cũng giúp tạo ra ấn tượng tốt với bên ngoài và khiến tăng cường lượng khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
Một số hình thức truyền tải và xây dựng văn hóa nội bộ
Dưới đây là một vài hình thức mà các doanh nghiệp lớn như Vinafco, HiPT, FPT… sử dụng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Duy trì mạch thông tin thông suốt trong nội bộ
Nếu như coi doanh nghiệp như cơ thể của một con người thì thông tin trong nội bộ chính là các mạch máu lưu thông giữa các tổ chức trong cơ thể. Mỗi doanh nghiệp với đặc thù riêng có những kênh truyền thông nội bộ riêng.
Ngoài hình thức email truyền thống, những doanh nghiệp lớn mạnh về văn hóa nội bộ như Vinafco, HiPT, FPT cũng tự mình xây dựng các tạp chí và bản tin nội bộ, trong những năm gần đây là cả website nội bộ, các trang mạng xã hội của doanh nghiệp, cập nhật liên tục các thông tin chính thức của công ty.
Mỗi doanh nghiệp cần duy trì thông tin liên lạc giữa các chi nhánh, lãnh đạo, quản lý nhân viên và người lao động của họ. Điều này gọi là “giao tiếp nội bộ”, một tính năng thiết yếu trong cơ cấu hành chính của doanh nghiệp. PR nội bộ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình giao tiếp này hiệu quả hơn, trơn tru hơn.
Các ấn phẩm nội bộ
Đây chính là niềm tự hào của nhân viên mỗi doanh nghiệp và là thứ dễ dàng nhất để họ có thể “khoe” với bên ngoài về văn hóa nội bộ hùng mạnh của doanh nghiệp mình. Các ấn phẩm nội bộ bao gồm đồng phục, bảng tên, lịch thông báo, cài áo…
Thậm chí, tại Vinafco, một sứ giả văn hóa được hình tượng hóa từ nhân vật chú kiến đã được xây dựng lên và sản xuất thành các ấn phẩm để có thể truyền tải được hết 5 giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp: “Tận tụy – Cam kết – Hiệu quả – Học hỏi & Sáng tạo không ngừng – Xông pha”.
Các sự kiện thường niên đặc biệt
Tùy thuộc vào đặc thù của các doanh nghiệp, các sự kiện này có thể trở nên đa dạng và được tổ chức nhân các dịp khác nhau, thông thường sẽ rơi vào ngày thành lập công ty, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, các chương trình tổng kết cuối năm, kick off đầu năm….
Tùy theo tính chất quan trọng của các ngày kỉ niệm, các sự kiện này cũng có thể tổ chức ngay tại công ty hoặc các khu resort, nghỉ dưỡng chất lượng cao trên khắp cả nước, kinh phí cũng theo đó mà có thể lên đến hàng trăm đến hàng tỉ đồng cho một sự kiện, với nhiều hoạt động thú vị, sôi động, giúp gắn chặt mối quan hệ giữa nhân viên và doanh nghiệp, nâng cao các giá trị văn hóa của doanh nghiệp.
Tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc
Việc có những giải thưởng định kỳ nhằm tôn vinh những người đã cống hiến cho doanh nghiệp là điều luôn cần thiết bởi đó chính là niềm tin, động lực để phấn đấu của nhân viên. Các giải thưởng tôn vinh nhân viên là sự ghi nhận của doanh nghiệp cho những người xuất sắc và cũng là lời hứa hẹn đối với những người đang nỗ lực.
Lấy ví dụ, tại Vinafco, cứ 2 tháng sẽ tổ chức bầu ra một nhân vật xứng đáng nhất với từng giá trị văn hóa cốt lõi của công ty. Các cuộc thi Miss&Mr, Gương mặt đại diện, Gương mặt văn hóa, Gương mặt thể thao, Cá nhân xuất sắc… trong suốt một năm hoạt động cũng là các hoạt động nhằm tôn vinh các cá nhân được nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng.
Vai trò của những người lãnh đạo
Để có một tài sản văn hóa nội bộ doanh nghiệp bền vững,cần có sự phối hợp và gắn kết, củng cố văn hóa nội bộ cùng nhau. Đầu tiên phải kể đến vai trò của những người lãnh đạo. Họ là đầu tàu, là kim chỉ nam cho hướng đi của doanh nghiệp.
Những người lãnh đạo phải thể hiện được sự tài năng, sự nghiêm túc trong công việc, trong tuyển chọn và đào tạo nhân viên, đồng thời phải giữ một mối quan hệ gắn bó, thân thiết, chăm lo đến đời sống vật chất như chế độ lương – thưởng hay đời sống tinh thần của những nhân viên trong doanh nghiệp. Họ cũng là những người cực kì công minh, và cũng phải là đầu mối giải quyết những khúc mắc cho nhân viên. Vai trò lãnh đạo của họ chính là cơ sở để thúc đẩy những mối quan hệ khác trong doanh nghiệp.
Bên cạnh lãnh đạo, các nhân viên cũng là những người trực tiếp xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Họ phải chứng minh được năng lực của mình, vai trò của mình, hoàn thành tốt những nhiệm vụ, công việc được giao. Không chỉ hoàn thành phận sự của mình một cách nghiêm túc, nhân viên trong một doanh nghiệp còn phải chứng minh mình là những công sự, những trợ lí đắc lực cho đồng nghiệp và lãnh đạo.
Trên đây là các hình thức truyền tải văn hoá nội bộ doanh nghiệp hiệu quả nhất mà bạn đọc có thể áp dụng cho tập thể của mình. Chúc thành côngQ